Đặc phái viên John Kerry nói Mỹ đánh giá cao cam kết chống biến đổi khí hậu của Việt Nam tại COP26 và sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu này.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có cam kết rất tốt tại COP26 ở Glassglow", Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry nói tại sự kiện công bố Quỹ Thách thức Đổi mới Sáng tạo (ICF) ở Hà Nội sáng nay. Ông cho rằng lãnh đạo Việt Nam rất quyết tâm và đang cố gắng đưa đất nước "vượt qua những thách thức phải đối mặt".
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry tại sự kiện ở Hà Nội sáng 23/2. Ảnh: Ngọc Thành.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than, cũng như đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Phát thải ròng bằng "0" nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại được rừng và đại dương hấp thụ.
Ông John Kerry đánh giá Việt Nam có cơ sở tốt để thực hiện cam kết này khi có nhiều nguồn năng lượng thay thế như nước, gió và mặt trời. "Chúng tôi rất nóng lòng muốn hợp tác với Việt Nam để tạo điều kiện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này", ông nói. "Tổng thống Joe Biden rất sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong quá trình loại bỏ than đá, thông qua công nghệ mới mà chúng tôi có cũng như hỗ trợ về mặt tài chính".
Đặc phái viên John Kerry nhấn mạnh các chương trình mà Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang thực hiện tại Việt Nam như Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam cũng như Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo (ICF) là ví dụ về cam kết hỗ trợ của Mỹ.
Với ngân sách 2,5 triệu USD, ICF đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải nhà kính và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. ICF dự kiến tài trợ cho 20 dự án thí điểm tiềm năng về hệ thống năng lượng đô thị ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các dự án thí điểm được lựa chọn có thể nhận tài trợ lên tới 100.000 USD.
"Một trong những thách thức lớn nhất đối với tất cả chúng ta là tìm ra cách giảm phát thải khí gây ô nhiễm. Chúng ta thực sự đang chạy đua với thời gian để giành chiến thắng trong cuộc chiến làm sạch không khí, xóa sổ ô nhiễm, giúp chúng ta có cuộc sống an toàn hơn, khỏe mạnh hơn, cũng như khiến nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn", ông Kerry nói.
Hoạt động của USAID tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và năng lượng tập trung vào chống biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ môi trường, như phát triển năng lượng sạch, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường tự nhiên.
"Chúng tôi tôn trọng Việt Nam, đồng thời muốn thấy một Việt Nam hùng mạnh và thịnh vượng. Do đó, chúng tôi đang cùng với nhau giúp quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam diễn ra thuận lợi và nhanh chóng", ông Kerry nhấn mạnh.
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)