Triển lãm Năng lượng mặt trời Việt Nam - Vietnam Solar Power Expo 2019 do Tập đoàn Neoventure tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25 - 26/9 đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà thầu tham gia mạnh mẽ vào thị trường.
Việt Nam hiện đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia và điện mặt trời chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2019.
Điển hình, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công.
Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW).
Ngoài ra, lĩnh vực này còn có sự xuất hiện của nhiều cái tên đáng chú ý khác như Tập đoàn Trung Nam, Công ty Xuân Cầu, TTVN Group hay Bamboo Capital.
Cuộc đua điện mặt trời tại Việt Nam đang giúp các công ty sản xuất pin của Trung Quốc hưởng lợi. |
Không chỉ thu hút các nhà thầu trong nước, Việt Nam có hàng loạt dự án điện mặt trời triệu đô từ các nhà đầu tư nước ngoài như: nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.
Nhằm tăng cường sự phát triển bền vững của năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) đã ban hành Dự thảo cập nhật (Dự thảo mới) từ Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam (Quyết định dự thảo).
Do Quyết định 11 hiện tại của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức giá FiT là 9,35US cents/kWh chỉ có hiệu lực cho đến ngày 30/6/2019, nên Dự thảo Quyết định sẽ quy định chương trình FiT mới trong 2 năm nữa từ 1/7/2019 đến 30/6/2021 áp dụng cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Quyết định này đề xuất các mức thuế khác nhau được phân loại theo 04 vùng chiếu xạ của Việt Nam và liên quan đến 4 loại công nghệ năng lượng mặt trời khác nhau. Việc phân chia các mức thuế cho thấy chính sách của Nhà nước trong việc đa dạng hóa đầu tư năng lượng mặt trời ở các khu vực khác nhau của Việt Nam.
Đó là kết quả của việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, hướng đến mục tiêu đưa năng lượng mặt trời trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Thậm chí Việt Nam còn trở thành điểm đến đầu tư năng lượng mặt trời “nóng nhất” khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc đua điện mặt trời tại Việt Nam đang giúp các Công ty Trung Quốc hưởng lợi. Với hàng chục nghìn tỷ đồng đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Con số này phần lớn được chi trả cho các nhà thầu cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời, hạng mục thường chiếm khoảng 50% tổng chi phí của mỗi dự án.
Đáng chú ý, những công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều nằm tại Trung Quốc. Theo một thống kê trong 10 nhà cung cấp tấm pin lớn nhất thế giới có sự góp mặt của 8 công ty đến từ Trung Quốc.
Không ít nhà cung cấp trong top này đã góp mặt trong các dự án điện mặt trời tại Việt Nam như JA Solar (nhà cung cấp lớn nhất thế giới), Trina Solar (xếp thứ 3) hay JinkoSolar (xếp thứ 5).
Đầu năm nay, JA Solar thông báo sẽ cung cấp toàn bộ pin với công nghệ phát quang thụ động cho nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 do Công ty cổ phần Bắc Phương xây dựng tại Ninh Thuận.
Năm ngoái, Trina Solar phát đi thông báo cung cấp pin cho dự án điện mặt trời của Trung Nam Group.
Một nhà cung cấp khác đến từ Trung Quốc là Risen Energy tháng 10 năm ngoái cũng thông báo trúng thầu dự án trạm năng lượng mặt trời có công suất 50MW của Thap Cham Solar- thành viên của Bitexco Group Việt Nam. Tại Ninh Thuận, tổng công suất lắp đặt của Risen Energy tại các dự án lên tới 161 MW, trong đó có dự án 61MW, công ty này kết hợp với Tasco để phát triển.
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)