Sản lượng năng lượng tái tạo đã tăng gấp 4 lần trên thế giới trong 10 năm qua. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được lượng khí thải từ ngành năng lượng tăng lên, theo một báo cáo được công bố trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu ngày 6/9.
Đầu tư cho năng lượng gió, sinh khối, thủy điện và nhất là năng lượng mặt trời... đạt được hơn 2.500 tỷ đô la từ năm 2010 đến nay nhờ chi phí giảm, theo báo cáo thường niên do Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt và Bloomberg Tài chính năng lượng mới (BNEF) phối hợp với Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) thực hiện.
Theo báo cáo này, không tính các đập thủy điện lớn hơn 50 MW, năng lượng tái tạo hiện có công suất 1.650 GW (so với 414 GW năm 2009) và tạo ra 12,9% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2018. Điện mặt trời chiếm phần lớn nhất trong tổng số 2.300 GW công suất được lắp đặt trong 10 năm qua, vượt xa các nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt.
Báo cáo liệt kê 30 quốc gia đã đầu tư hơn 1 tỷ đô la vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn này, đồng thời vẫn sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch. Quốc gia đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, Trung Quốc, nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đã chi 760 tỷ đô la cho năng lượng xanh kể từ năm 2010.
Kể từ năm 2009, chi phí để xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời đã giảm 81% và năng lượng gió trên bờ giảm 46%. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh một cách ngoạn mục. Đối với Francoir d'Estais, thuộc UNEP, "điều này cho thấy sự chuyển đổi của ngành năng lượng đang được tiến hành". Nhưng "nó không đủ nhanh để cho phép thế giới đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và sự ấm lên của trái đất", Francoir nói thêm.
"Về sưởi ấm hoặc làm mát, quá trình chuyển đổi vẫn chưa có và các khoản trợ cấp (nhiên liệu hóa thạch) vẫn cao gấp đôi sự hỗ trợ cho năng lượng tái tạo”, Ulf Moslener, nhà nghiên cứu tại trường Frankfurt, cho biết.
Năm 2018, năng lượng xanh đã giúp giảm được 2 tỷ tấn CO2 phát thải, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, phát thải của ngành năng lượng nói chung cũng đã đạt mức kỷ lục 13,7 tỷ tấn CO2 tương đương, khiến thế giới càng rời xa các mục tiêu về khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại New York vào ngày 23/9 để kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ hơn trong việc giảm lượng khí thải CO2.
Khó xây dựng lưới điện đồng bộ |
Pháp tăng chi phí hỗ trợ năng lượng tái tạo |
Total mở rộng hoạt động điện tái tạo |
Nh.Thạch
AFP
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)