(Dân Việt) Trước tình hình giá điện tăng cao, điện mặt trời không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm nguồn điện cho quốc gia và bảo vệ môi trường. Xuất phát từ những lợi ích không nhỏ ấy, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đang khuyến khích khách hàng sử dụng.
Tiết kiệm tiền điện, bảo vệ môi trường
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, tính đến hết tháng 8/2019 toàn tỉnh có 297 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái (ĐMTMN) với tổng công suất đặt hơn 18.000 kWp, sản lượng phát lên lưới là 3.537.791 kWh. Trong đó, có 244 khách hàng đóng điện trước ngày 1/7/2019 và đã ký hợp đồng mua bán ĐMTMN và 53 khách hàng đóng điện sau ngày 1/7/2019 công ty đã nghiệm thu, chốt chỉ số và ký biên bản tạm thời với khách hàng. Những khách hàng có công suất lắp đặt ĐMTMN lớn tại Đắk Lắk phải kể đến như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột (438 kWp), Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk (86 kWp)...
Ngoài ra, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã thống nhất điểm đấu nối với 79 khách hàng có công suất dự kiến lắp đặt 77,7 MWp, tiếp nhận 34 khách hàng đăng ký với tổng công suất dự kiến lắp đặt 33,8 MWp.
Ngày càng có nhiều người dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.
Theo PC Đắk Lắk, tùy mức độ sử dụng của khách hàng, lượng điện thừa phát lên lưới được ngành điện mua lại với giá theo quy định hiện hành. Hàng tháng sau khi hai bên xác nhận chỉ số điện năng và sản lượng điện phát dư lên lưới, Điện lực tiến hành chi trả cho khách hàng qua hình thức chuyển khoản. Đến thời điểm đầu tháng 5/2019, các khách hàng có phát điện lên lưới đã được ngành điện Đắk Lắk trả hơn 592 triệu đồng, tương đương 282.278 kWh.
Tích cực tuyên truyền đến người dân
Là một trong những địa bàn có công suất lắp đặt ĐMTMN lớn trên địa bàn tỉnh, ông Trần Tấn Phùng – Giám đốc Điện lực Nam Buôn Ma Thuột cho biết, hiện tại địa bàn có tổng cộng 69 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, với tổng công suất là 1.736 kWp, sản lượng điện hàng tháng là 108.000 kWh, số tiền trả hàng tháng cho khách hàng là 230 triệu đồng.
Theo ông Hùng, tùy theo mái, thiết bị lắp đặt…, khách hàng phải chi phí, đầu tư từ 14 – 20 triệu đồng để lắp đặt 1 kWp ĐMTMN. Trung bình một hộ dân đầu tư khoảng 5 kWp với chi phí khoảng 90 -100 triệu đồng.
Điện mặt trời trên mái nhà giúp người dân tiết kiệm tiền điện, giảm áp lực cho ngành điện và bảo vệ môi trường.
Nhận thấy nhiều lợi ích từ việc lắp đặt ĐMTMN, vào cuối tháng 6/2019 gia đình ông Trần Tấn Phùng đã đầu tư 30 kWp tại nhà riêng ở phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột), với tổng vốn đầu tư khoảng gần 500 triệu đồng. “Từ lúc sử dụng ĐMTMN, gia đình tôi chỉ phải trả cho ngành điện từ 200 - 250.000 đồng/tháng và được ngành điện trả lại số tiền từ 7 - 10 triệu đồng/tháng tùy theo mùa. Trong khi đó, trước đây gia đình tôi phải trả cho ngành điện từ 650.000 - 750.000 đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng sử dụng ĐMTMN, gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng” – ông Phùng chia sẻ. Theo tính toán của ông Phùng, với số tiền 500 triệu đồng đã đầu tư cho ĐMTMN thì chỉ khoảng 5 - 6 năm sau gia đình ông sẽ thu hồi lại vốn.
Việc lắp đặt ĐMTMN không chỉ có lợi cho các hộ gia đình mà còn tốt cho lưới truyền tải của ngành điện, vì hệ thống ĐMTMN sản xuất ra và dùng tại chỗ không phải truyền tải. Do đó, không xảy ra tình trạng quá tải trên đường dây truyền tải.
Đắk Lắk là một trong những địa phương nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn (khoảng 95 GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình 5 kWh/m2/ngày), tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo. Do vậy Công ty Điện lực Đắk Lắk đang tích cực tuyên truyền lợi ích của ĐMTMN, vận động khách hàng lắp đặt, đặc biệt tại các huyện có nhiều tiềm năng như Ea Súp, Buôn Đôn...
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)