BNEWS.VN Google cho biết các thỏa thuận thu mua năng lượng tái tạo này sẽ bảo đảm 1.600 MW điện "sạch" phục vụ cho các cơ sở và chi nhánh của Google hoạt động trên khắp thế giới.
Biểu tượng Google tại San Francisco, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tập đoàn công nghệ Google ngày 19/9 thông báo đã ký 18 thỏa thuận mua năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời trên khắp châu Âu, Mỹ và Mỹ Latinh, đồng thời nhấn mạnh đây là khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất trong lịch sử.
Google cho biết các thỏa thuận thu mua năng lượng tái tạo này sẽ bảo đảm 1.600 MW điện "sạch" phục vụ cho các cơ sở và chi nhánh của Google hoạt động trên khắp thế giới, đồng thời thúc đẩy khoản đầu tư mới trị giá 2 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc phát triển điện gió và năng lượng Mặt Trời.
Giới chuyên gia đánh giá cao động thái trên của Google, cho thấy cam kết của doanh nghiệp này đối với năng lượng xanh. Các thỏa thuận này được công bố ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) dự kiến diễn ra vào tuần tới tại New York, Mỹ và ngay trước thời điểm các cuộc biểu tình vì môi trường trên phạm vi toàn cầu diễn ra vào ngày 20/9, trong đó có sự tham gia của các nhân viên Google.
Hiện Google đã đạt được các hợp đồng mua năng lượng tái tạo trong dài hạn, gồm 52 dự án với lượng năng lượng sạch lên tới 5.500 MW. Trong bối cảnh chi tiêu chính phủ dành cho năng lượng tái tạo đang sụt giảm tại nhiều nơi trên thế giới, các dự án mua năng lượng sạch được xem là một biện pháp trọng yếu nhằm đảm bảo đầu tư lâu dài trong việc phát triển năng lượng gió và Mặt Trời.
Kể từ năm 2017, Google đã trở thành công ty tiên phong trong việc phát triển mô hình thu mua năng lượng mới, chuyển sang dùng năng lượng sạch cung cấp hoạt động cho toàn bộ các văn phòng và trung tâm dữ liệu của hãng.
Tuy nhiên, do biến động nguồn cung, không phải tất cả điện năng mà Google sử dụng đều đến trực tiếp từ các nguồn năng lượng xanh. Vì vậy, những cam kết mới nhất mà Google đưa ra là một bước tiến hướng tới mục tiêu trở thành một doanh nghiệp "không carbon" về lâu dài, đồng nghĩa năng lượng tái tạo sẽ được công ty này sử dụng toàn bộ 24 giờ/ngày.
Bên cạnh Google, các công ty công nghệ ở Thung lũng công nghệ Silicon cũng đang nỗ lực giảm thiểu tác động đối với môi trường từ các hoạt động của mình. Hồi tháng 8/2019, trang mạng xã hội Facebook đã cam kết vận hành hoàn toàn các cơ sở của họ bằng năng lượng tái tạo vào cuối năm 2020 và cho biết đã ký các thỏa thuận mua năng lượng lên tới 2.500 MW trong một năm qua.
Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ và công nghệ Amazon ngày 19/9 cũng công bố kế hoạch hướng tới mục tiêu "không carbon" vào năm 2040 và sẽ đặt hàng 100.000 xe tải giao hàng chạy bằng điện nhằm giúp đạt được mục tiêu này./.
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)