Thứ hai, 7/10/2019 | 11:02 GMT+7
|
Miền Trung hội tụ động năng dòng hải lưu lớn nhất trên trái đất mang nguồn gốc từ năng lượng mặt trời và trạng thái quay của trái đất.
Mới đây, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu biển và hải đảo đã tổ chức tọa đàm về thực trạng, chính sách về năng lượng tái tạo và năng lượng dòng chảy. Mở đầu tọa đàm, Tiến sĩ Dư Văn Toán trình bày báo cáo tổng quan Chính sách năng lượng tái tạo biển. Ông cho biết, năng lượng gió ngoài khơi có nhiều tiềm năng phát triển tuy nhiên giá thành còn cao và chưa tận dụng được hết tiềm năng phát triển mà thiên nhiên đem lại.
Theo đó, năng lượng dòng chảy tự nhiên bao gồm: hải lưu, thủy triều, dòng chảy. Miền Trung có lợi thế mặt giáp biển lớn do đó với ưu thế sạch, không bị cạn kiệt, giá thành thấp với công nghệ của Việt Nam, năng lượng dòng chảy (điện hải lưu) đang được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo tập trung nghiên cứu về tiềm năng lý thuyết, bao gồm: tiềm năng kỹ thuật (điều kiện cho phép để không ảnh hưởng đến đường đi lại của tàu thuyền, tàu cảng, mục tiêu quốc phòng của các tỉnh), tiềm năng kinh tế và dòng chảy mặt, dòng chảy đáy…
Các chuyên gia nghiên cứu biển và hải đảo tại tọa đàm
Theo kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam: “Nguồn năng lượng từ dòng hải lưu của miền Trung Việt Nam tương đương như mỏ dầu của Trung Đông nhưng sạch và không bao giờ cạn. Nó có thể giải quyết căn bản năng lượng Việt Nam và nhu cầu việc làm cho người trẻ miền Nam”.
Dòng hải lưu ở miền Trung dài 1000km từ Hòn La – Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đến mũi Kê Gà – Bình Thuận. 11 tỉnh thành trên đều đủ các yếu tố để phát triển điện hải lưu với quy mô công nghiệp.
Các tỉnh miền Trung nên phát triển điện hải lưu gắn liền với hoạt động du lịch và nghiên cứu khoa học vì đây là nơi tập trung nguồn tài nguyên điện hải lưu lớn nhất trên trái đất và cũng là nơi tìm ra công nghệ mới phát điện bằng dòng hải lưu. Việt Nam là nơi phát triển năng lượng điện hải lưu lớn nhất của bờ Tây Thái Bình Dương theo nhận định của giới nghiên cứu năng lượng dòng chảy Đài Loan.
Trong buổi tọa đàm, ông Dũng đưa ra các bước thực hiện dự tính: lắp ráp máy thí điểm với quy mô nhỏ bằng hệ thống cọc tại hạ lưu thủy điện Trị An và tại bờ biển miền Trung Việt Nam; xây dựng nhà máy phát điện hải lưu bằng bê tông cốt thép đặt ở bờ biển. Vùng nước khai thác điện hải lưu hoàn toàn nằm trong lãnh hải Việt Nam và liên quan đến an ninh biển Đông vì vậy cần thiết người Việt phải là người chủ thực sự điều hành dự án này.
Ông Doãn Mạnh Dũng chia sẻ về công nghệ khai thác năng lượng dòng chảy bằng tuabin mới gọi là “trống quay”
Công nghệ khai thác năng lượng dòng chảy bằng tuabin mới do kỹ sư Doãn Mạnh Dũng đề xuất được gọi là “trống quay”. Tuabin mới có dáng hình trụ quay quanh trục chính của nó. Trong hình trụ có mặt rỗng trong nhằm nhận lực Ác-si-mét để biến thành con quay tối ưu trong môi trường nước chảy song song với bề mặt của chính nó. Nguyên tắc vận hành của tuabin là mô men lực nhân với chiều dài cánh tay đòn nên về lý thuyết tuabin có thể khai thác khi tốc độ dòng chảy rất nhỏ.
Thanh Bảo
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)