14:32 09/10/2019
(VNF) - Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 từng được giao cho PVN làm chủ đầu tư, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn đơn vị này đã xin không thực hiện dự án. Mới đây, Tập đoàn Banpu (Thái Lan) đã hoàn thành các thủ tục và đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng dự án này.
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 của PVN bị chậm tiến độ
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện vừa có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn Banpu (Thái Lan) về nhiệt điện Long Phú 3 và dự án điện gió.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Banpu và các sở, ngành tỉnh đã thảo luận một số vấn đề về điều kiện để khởi công dự án điện gió trong thời gian tới và việc đấu nối vào hệ thống lưới điện. Tập đoàn cũng đã khảo sát địa hình để chuẩn bị cho việc khởi công dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết sau nhiều lần làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Tập đoàn Banpu, dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 đã cơ bản hoàn thành thủ tục bước đầu và đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, dự án điện gió số 3 (Thị xã Vĩnh Châu) đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, hiện nay cần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và khởi công dự án.
UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng khi thủ tục dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 hoàn tất, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo đúng cam kết.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và đoàn công tác của Tập đoàn Banpu tại buổi làm việc. Ảnh (STO).
Trước đó, vào tháng 9/2018, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã tiếp và làm việc với Công ty Banpu Power Public (Thái Lan) về đầu tư phát triển nhà máy nhiệt điện.
Qua tìm hiểu dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 3, đại diện Công ty Banpu Power Public khẳng định có đủ năng lực và lợi thế nên mong muốn tham gia đầu tư vào dự án.
Tỉnh Sóc Trăng đã ủng hộ Công ty Banpu Power Public đến tìm hiểu để đầu tư và mong muốn việc đầu tư cần gắn với công tác bảo vệ môi trường, để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống lân cận.
Đối với việc khó khăn trong vận chuyển than, phía tỉnh cũng nhận thấy và kêu gọi đầu tư dự án cảng nước sâu ở Trần Đề nhằm thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời đề xuất công ty cần lập dự án sơ bộ để thể hiện năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công và công nghệ sản xuất, cũng như việc bảo vệ môi trường trong đầu tư sản xuất.
PVN xin rút lui dự án nhiệt điện Long Phú 3
Tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX vào tháng 8/2019, Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Chiêu cho biết, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 nhà máy nhiệt điện thuộc trung tâm điện lực Long Phú.
Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 dự kiến đưa vào vận hành 2018 - 2019, còn nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 và nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 dự kiến đưa vào vận hành 2021 - 2022.
Tuy nhiên, hiện nay tiến độ cả 3 nhà máy đều bị chậm. Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 công suất 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, do nhà thầu EPC bị ảnh hưởng lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Nga.
Theo quy hoạch được duyệt, nhà máy đưa vào hoạt động thương mại Tổ máy 1 năm 2018 và Tổ máy 2 năm 2019 nhưng đến nay chủ đầu tư chưa xác định được thời gian đưa vào vận hành thương mại.
Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1.320 MW do Tập đoàn TATA Power (Ấn Độ) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Theo quy hoạch được duyệt, nhà máy có Tổ máy 1 đưa vào vận hành năm 2021, Tổ máy 2 đưa vào vận hành năm 2022. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện đàm phán xong hợp đồng BOT với Bộ Công thương nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo (như lựa chọn nhà thầu EPC, đàm phán hợp đồng mua bán điện, đàm phán hợp đồng thuê đất...).
Còn nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 công suất 1.800 MW do PVN làm chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn nên đơn vị này đã xin không thực hiện dự án.
Trong kiến nghị xin dừng đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 3, PVN cũng đề xuất giao cho nhà đầu tư khác trong và ngoài nước đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư dự án. Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư mới tiếp nhận dự án nhiệt điện Long Phú 3, hoàn trả PVN chi phí các hạng mục dùng chung và chi phí đã đầu tư đến thời điểm bàn giao.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc từng muốn nhảy vào
Sau khi PVN xin rút lui, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc để PVN chuyển giao dự án nhiệt điện Long Phú 3 cho chủ đầu tư khác thực hiện.
Tháng 3/2018, liên danh nhà đầu tư Công ty Năng lượng Quốc tế Triết Giang (Trung Quốc), Công ty Đầu tư và tư vấn điện lực (Trung Quốc), Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 và Công ty Cổ phần Win Energy, đã đề xuất xin làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 3.
Tiếp đó, đến tháng 4/2018, Công ty TNHH lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG), cũng có văn bản chính thức đề xuất xin làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 3.
Về năng lực của các nhà đầu tư trên, CSG là một trong hai công ty lưới điện nhà nước tại Trung Quốc, đang cung cấp điện cho 5 tỉnh phía Nam Trung Quốc. Hiện CSG đã hợp tác với điện lực Việt Nam, tính đến tháng 9/2017, công ty này đã cung cấp cho Việt Nam 33,4 tỷ kWh điện. Đây cũng là nhà đầu tư đã thực hiện dự án nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1.
Về phía liên danh đầu tư, Công ty Năng lượng quốc tế Triết Giang (thuộc Tập đoàn Năng lượng quốc tế Triết Giang), được giới thiệu là một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn Năng lượng Triết Giang đang điều hành nhiều nhà máy điện, với tổng công suất thiết kế đạt trên 31.260MW, trong đó công suất điện than khoảng 26.568MW.
Các thành viên còn lại trong liên danh đầu tư gồm Công ty Đầu tư và Tư vấn điện lực Hồng Công (thuộc Tập đoàn Tư vấn công trình điện Trung Quốc), là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong ngành điện. Tổng công ty Xây dựng số 1 đã có kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình điện lớn như: Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Nhơn Trạch 1, Nghi Sơn 1, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, và dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Liên danh này đề xuất đầu tư dự án theo hình thức IPP (dự án điện độc lập), công nghệ phát điện siêu tới hạn, cam kết vốn tự có không thấp hơn 20%, vốn vay dưới 80%, tiến độ thực hiện đến 2022 vận hành tổ máy số 1, năm 2023 vận hành tiếp hai tổ máy số 2 và số 3. Ngoài ra liên danh đầu tư này cũng cam kết sử dụng tối đa hàng hóa, dịch vụ trong nước khi xây dựng nhà máy.
Lệ Chi
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)