(Dân Việt) Vừa qua, Bộ Công Thương đã có công văn kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án áp dụng 1 mức giá điện mặt trời áp dụng trên toàn quốc thay vì 2 hay 4 vùng như trước. Kiến nghị này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại giảm lợi nhuận, kém cạnh tranh, tiếp diễn tình trạng quá tải lưới điện.
Đầu tư dày đặc, mạng lưới điện mặt trời quá tải
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 5 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành ở quý I (2019) nhưng sang quý II con số này đã lên tới 82 với với tổng công suất khoảng 4.464 MW. Theo các chuyên gia đánh giá, điều này đã góp phần vào tình trạng quá tải lưới điện tháng 6 khiến nhiều dự án điện tại các địa phương phải cắt giảm công suất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0) một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn phải cắt giảm công suất.
Ngoài ra, ông Vĩnh thông tin thêm, tỉnh Ninh Thuận được duyệt 2.000 MW dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch tới năm 2020, trong đó có điện mặt trời, nhưng hiện tại thiết kế lưới truyền tải khu vực này chỉ có công suất tối đa từ 800-1.000 MW.
Mạng lưới điện mặt trời tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được công suất sản xuất.
Tới cuối tháng 6, tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh này được đấu nối là 1.300 MW, trong đó gần 1.090 MW là điện mặt trời. Ông Vĩnh cho rằng, cần giải pháp lâu dài để không gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Không chỉ tỉnh Ninh Thuận, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) cũng phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện. Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Công Thương và EVN, Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA cho biết, trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã yêu cầu các dự án điện gió phải cùng cắt giảm 38-64% công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới.
"Năm nay cắt giảm thế này chúng tôi chắc chắn lỗ, chưa kể phải trả nợ nước ngoài", ông Thịnh cho hay.
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản 48/HHNL-VP gửi Thủ tướng Chính phủ với nhiều kiến nghị về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trọng tâm là việc thực hiện mua giá điện theo nhiều vùng.
“Cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng. Các tỉnh miền Bắc có bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kWh/m2/ngày, trong khi các tỉnh phía Nam, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8 - 5,1 kWh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần).
Điều này dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống. Nhằm khắc phục hiện tượng này, Hiệp hội đề nghị thực hiện giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2 - 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước như hiện nay.” Văn bản của VEA nêu rõ.
Có nên áp dụng điện đồng giá?
Mới đây, theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quyết định theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc thay cho phương án chia thành 2 vùng giá hay 4 vùng giá trước đó (theo cường độ bức xạ).
Cụ thể, dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScents/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScents/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh.
Kiến nghị này khiến nhà đầu tư lo ngại giảm lợi nhuận, kém cạnh tranh, nhận điều nhiều ý kiến phản hồi khác nhau từ các chuyên gia.
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng điện đồng giá.
Đồng tình với phương án Bộ Công Thương đề xuất, ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alena phân tích, việc áp dụng giá điện theo dự thảo cần cẩn trọng, hài hòa, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, tránh tình trạng lãng phí, kém hiệu quả.
“Giá điện có giảm như dự thảo thì vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Miền Nam sinh ra điện mặt trời tốt hơn thì phải làm sao để khuyến khích khu vực này phát triển tốt. Tại khu vực miền Bắc, nếu nâng giá lên để khuyến khích đầu tư sẽ gây ra tình trạng kém hiệu quả, lãng phí đầu tư bởi suất đầu tư không thay đổi.” Ông Ánh chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, ông Lê Anh Tùng- Chủ tịch Công ty CP Ecotech Việt Nam tính toán, theo dự thảo, mức giá cho điện mặt trời mặt đất chỉ ở mức 7,09 UScent/kWh giảm khoảng 32% với giá cũ khiến lợi nhuận của nhà đầu tư giảm theo. Với mức giá thấp vậy, nếu xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, bị cắt giảm công suất, nhà đầu tư có thể dẫn tới phá sản.
"Với phương án 1 giá điện, nhà đầu tư sẽ lựa chọn vùng nào có tiềm năng nhất để đầu tư. Điều đó có nghĩa là đầu tư điện mặt trời sẽ dồn vào các tỉnh Tây Nguyên hiện đang quá tải lưới điện, không khuyến khích được đầu tư vào các tỉnh phía Bắc hay miền Trung. Như vậy, tình trạng quá tải lưới điện sẽ tiếp tục diễn ra", ông Tùng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ thêm: “Giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng đã được nhiều quốc gia áp dụng. Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ mang lại một số mặt hiệu quả như tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.”
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)