Mỹ và Australia đều là những nền kinh tế phát triển trên thế giới với thị trường tự do, công nghệ tiên tiến, dân số đông và có lượng ngân sách lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong khi ngành điện năng của Mỹ phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng thì Australia lại đang chìm trong cuộc khủng hoảng mất điện, qua đó ảnh hướng đến người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như một hệ quả tất yếu, khảo sát của USSC cho thấy nhiều nhà sản xuất hiện nay đã không còn coi Australia là điểm đến lý tưởng nữa, thay vào đó là Mỹ với một cơ sở hạ tầng ổn định. Mức giá điện và năng lượng tại Australia hiện quá cao so với các nước phát triển khác, đó là chưa kể đến chi phí nhân công tốn kém.
Vậy tại sao Australia lại lâm vào cuộc khủng hoảng như vậy? Xin được nhắc lại rằng Australia là quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới, nguồn năng lượng có thể sản xuất ra điện.
Không đủ điện trong 2 năm tới
Tại Mỹ, sự phát triển của ngành dầu đá phiến đã gián tiếp làm giảm chi phí đầu vào của các nhà máy nhiệt điện. Trong suốt 10 năm qua, giá điện bán lẻ tại Mỹ luôn ổn định và thậm chí nếu tính kèm lạm phát, mức giá này còn giảm 10%.
Trái ngược lại tại Australia, giá điện bán lẻ đã tăng 70% trong 10 năm qua. Tồi tệ hơn, số liệu của Hiệp hội năng lượng Australia (AEMO) cho thấy quốc gia này chỉ còn đủ sức cung cấp điện năng trong vòng 2 năm tới nếu không có những chính sách hợp lý để cân bằng cung cầu. Hiện 3 bang lớn của nước này là New South Wales, Victoria và South Australia chiếm gần 2/3 dân số toàn quốc là những khu vực có nguy cơ bị mất điện hoàn toàn do không đủ năng lượng trong vòng 2 năm tới.
Trước đó vào năm 2016, bang South Australia đã từng bị mất điện hoàn toàn do hệ thống truyền tải bị hỏng hàng loạt, gây hỗn loạn trên diện rộng khi các trường học, bệnh viện, công ty không thể hoạt động bình thường.
Vụ mất điện này kèm một số vụ mất điện trên diện rộng khác diễn ra sau đó đã khiến chính trường Australia rúng động do người dân bất mãn với các chính sách quản lý năng lượng của chính phủ. Trong vòng 10 năm qua, đất nước chuột túi này đã phải thay đến 7 đời thủ tướng.
Trong khi đó, báo cáo của NRMA cho thấy việc giảm đầu tư vào ngành lọc hóa dầu cũng như nhu cầu đi lên của dầu khí sẽ khiến nước này phải nhập khẩu 100% dầu khí vào năm 2030. Cụ thể, dù có trữ lượng dầu khí lớn nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu đến 60% dầu khí, dầu mỏ vào năm 2000 và con số này đã lên đến 90% hiện nay.
Sản lượng dầu khí lớn nhưng không đủ cung cho nhà máy điện
Có một thực tế trớ trêu là sản lượng dầu khí của Australia đủ lớn, thậm chí là thừa sức cho các nhà máy điện của nước này. Dẫu vậy, quốc gia này xuất khẩu lượng dầu khí nhiều gấp đôi so với mức họ sử dụng trong nước.
Những công ty sản xuất dầu khí trên bờ biển đông như Royal Dutch Shell hay Origin and Santos đã ký những hợp đồng kéo dài tới 20 năm với các khách hàng tại Châu Á. Những hợp đồng này đã khiến các hãng sản xuất đầu tư hàng tỷ USD cho các dàn khoan dầu khí.
Tuy nhiên, do không chú trọng thị trường trong nước nên giá dầu khí tại Australia đã tăng 300% kể từ năm 2009, khiến các nhà máy điện của nước này gặp khó trong vấn đề sản xuất. Thậm chí, những hãng sản xuất dầu khí như Santos còn mua dầu khí trong nước để xuất khẩu do các giàn khoan của hãng gặp trục trặc trong việc đảm bảo sản lượng, qua đó làm tồi tệ hơn tình hình ở Australia.
Australia là quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc, nhưng phần lớn lượng dầu khí này chưa được khai thác. Nguyên nhân chính là rất nhiều bang có mỏ dầu khí từ chối, thậm chí cấm khai thác dầu khí, dầu mỏ do lo ngại ô nhiễm môi trường cũng như nguồn nước.
Trước tình hình thiếu điện nhưng các bang lại không cho khai thác dầu khí làm năng lượng cho các nhà máy điện, chính phủ Australia đang phải tìm nhiều cách khác nhau nhằm giải quyết tình hình.
Thủ tướng Australia Scott Morrison hiện đang bất lực với các bang của nước này do chính phủ không thể can thiệp quá sâu vào quyết định của từng bang. Chính phủ Australia đã từng đề nghị các hãng khai thác dầu khí tăng sản lượng và nguồn cung cho nội địa nếu họ không muốn bị giới hạn xuất khẩu dầu khí sang Châu Á, nhưng chúng chẳng mấy hiệu quả.
Mang tiếng là nước phát triển nhưng Australia lại không mấy mặn mà với nguồn năng lượng sạch. Trong vụ sập toàn bộ hệ thống điện của bang South Australia , chính phủ đổ lỗi cho mảng năng lượng mặt trời và điện gió, vốn chiếm 40% nguồn cung điện ở đây, là nguyên nhân chính.
Hãng tin Bloomberg cho biết chi phí sản xuất năng lượng sạch ở Australia hiện nay còn rẻ hơn dùng dầu khí nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải lúc nào nước này cũng có nắng và gió.
Trước mắt, nguồn điện của Australia vẫn tạm đủ cung cấp khi nhu cầu sử dụng điện trong mùa hè đã qua mức đỉnh trong khi các công ty cung cấp dầu khí đã nâng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện trong ngắn hạn.
Tuy vậy, chuyện mất điện vẫn xảy ra như cơm bữa tại nhiều vùng ở Australia và người dân đang dần mất kiên nhẫn khi mang tiếng là nước phát triển nhưng họ còn không có đủ điện để dùng.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)