TBTCO) - Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đang là cơ hội vàng để thu hút đầu tư. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều “room” để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT).
Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: LV
Ngày 18/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Tuần lễ NLTT Việt Nam 2019 dã diễn ra hội thảo "Tài chính xanh cho NLTT trong ngành công nghiệp tại Việt Nam".
Dư nợ tín dụng cho NLTT tăng nhanh
Phát biểu tại sự kiện, ông Simon James - Cố vấn Chương trình biến đổi khí hậu và năng lượng (Tổ chức WWF) cho biết, để đáp ứng nhu cầu về điện, Việt Nam cần đầu tư khoảng 7,8 - 9,6 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2030. Điểm tích cực là chi phí của các dự án NLTT đang giảm. Theo ước tính, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió sẽ rẻ hơn của nhiệt điện than.
Theo ông Simon, động lực cho các nhà đầu tư dự án NLTT là lãi suất tín dụng ưu đãi; miễn giảm thuế, sử dụng đất; miễn thuế nhập khẩu các tài sản cố định; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (4 năm miễn thuế, 9 năm giảm 50%, 15 năm giảm 10%); hợp đồng mua bán điện (20 năm với EVN)…
Về giá, điện từ NLTT được tính theo giá Fit (giá ưu đãi cho NLTT), đến tháng 6/2019 là 9,22 cent/Kwh. Sau tháng 6/2019, giá đang được xem xét. Riêng với điện mặt trời, giá khác nhau đối với điện mặt trời mặt đất (thấp nhất), điện mặt trời nổi (vừa) hoặc áp mái (cao nhất). Trong đó, khu vực 1: 9,98 đến 10,87 cent/kWh; khu vực 2: 8,59 đến 9,36 cent/kWh; khu vực 3: 7,69 đến 8,38 cent/kWh; khu vực 4: 7,24 đến 7,89 cent/kWh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng dành cho NLTT tính đến năm 2018 là khoảng 250.000 tỷ đồng. Điều đặc biệt là số dư nợ tín dụng này có 1 tốc độ tăng trưởng rất nhanh, giữa năm 2018 mới đạt 123.000 tỷ đồng nhưng chỉ trong 6 tháng đã tăng lên 250.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, dù có nhiều động lực nhưng hiện các dự án NLTT cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn thực hiện, đặc biệt với các dự án có thời gian thi công nhanh như điện mặt trời áp mái. Khó khăn này một phần là do thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng, nhất là ngân hàng cấp tín dụng xanh từ nguồn các tổ chức tài chính quốc tế.
Nhiều “room” để các DN gõ cửa vay vốn
Theo ông Sơn, tín dụng xanh là vấn đề mới với ngành ngân hàng Việt Nam nên hiện tại các ngân hàng vẫn chưa phát triển mạnh nguồn tín dụng này. Đến nay, mới có 1 số ít ngân hàng Việt Nam (khoảng 10 ngân hàng) cấp tín dụng xanh cho các dự án NLTT và đa số là các dự án về điện mặt trời .
Ông Sơn cũng cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ tín dụng xanh đến năm 2020. Mới đây nhất, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nói rõ vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển xanh, NLTT là rất quan trọng.
Theo ông Sơn, nhu cầu tài chính xanh cho NLTT đến năm 2030 là trên 30 tỷ USD. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đề rõ mục tiêu đến năm 2025, 60% các ngân hàng tiếp cận được các nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế và triển khai thực hiện cho vay tín dụng xanh.
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động cho vay năng lượng xanh, ông Bùi Đức Minh - Phó trưởng phòng Vốn tín dụng quốc tế (Ngân hàng Vietcombank-VCB) cho biết, tính đến hết năm 2018, tổng số vốn VCB đã giải ngân cho các dự án năng lượng là 26.929 tỷ đồng. Điều kiện vay tín dụng của VCB đối với một dự án trung dài hạn là: năng lực tài chính của chủ đầu tư; kinh nghiệm triển khai dự án tương tự; tính khả thi của dự án cũng như cam kết trả nợ đúng hạn; có đủ tài sản bảo đảm theo quy định của VCB; dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Ngoài 4 ngân hàng VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho các dự án trong năm 2018, các ngân hàng thương mại khác như OCB, SHB, HD Bank… cũng đang triển khai những gói vay ưu đãi tài chính xanh.
Cụ thể, riêng HD Bank có dành 7.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng sạch, NLTT và đến năm 2018 đã cấp 3.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng điện mặt trời.
Đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng này cũng đang có chính sách ưu đãi đối với các dự án NLTT với lãi suất hấp dẫn, trong đó tập trung chủ yếu vào khách hàng cá nhân làm điện mặt trời áp mái. Ngân hàng này đang nghiên cứu thiết kế cơ chế cho vay ưu đãi đối với DN sản xuất thương mại - dịch vụ có nhu cầu lắp đặt hệ thống áp mái. Do đó, vẫn còn nhiều room để các DN có thể tiếp cận, gõ cửa vay vốn đầu tư cho NLTT./.
Thông tin về thị trường tài chính xanh khu vực ASEAN, ông Marlon Joseph Apanada - Giám đốc Điều hành Allotrope Partners cho biết, tổng giá trị dư nợ trái phiếu xanh và bền vững của khu vực ASEAN lên tới 1,6 tỷ USD. Trong đó, 81% trái phiếu xanh của khu vực ASEAN, theo khối lượng được đánh giá khách quan cho thấy có triển vọng tốt. Do đó, các DN có rất nhiều cơ hội để tiếp cận vốn cho các dự án NLTT từ nguồn tín dụng xanh này. |
Mai Lâm
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)