(TBTCO) - Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời và cũng xây dựng được rất nhiều nhà máy sản xuất nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống mạng lưới để truyền tải, điều đó đặt ra vấn đề phải có sự chuyển dịch ngành điện bền vững.
Các đại biểu tại lễ ra mắt VIET và tọa đàm về “Tương lai của sự chuyển dịch ngành điện tại Việt Nam”. Ảnh: Ngọc Hoa.
Chiều 19/9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) và tọa đàm về “Tương lai của sự chuyển dịch ngành điện tại Việt Nam”.
Giới thiệu về VIET, TS. Hà Dương Minh - Giám đốc và đồng sáng lập VIET cho biết, VIET là một tổ chức nghiên cứu độc lập với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững có độ tin cậy cao. Là một doanh nghiệp xã hội, mọi lợi nhuận đến từ các hoạt động của VIET sẽ được tái đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục.
Ông Mr. Rainer Brohm - thành viên của tổ chức VIET cho biết: “Ở Việt Nam mọi thứ đang thay đổi rất nhiều, được dẫn đến từ chuyển đổi công nghệ. Giá của năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn, chi phí của năng lượng mặt trời đang tác động rất nhiều đến thị trường điện Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy năng lượng mặt trời, nhưng chưa có mạng lưới truyền tải nguồn năng lượng này”.
Để giải quyết bài toán chuyển dịch năng lượng của ngành điện Việt Nam, 7 khuyến nghị đưa ra tại tọa đàm, được đề xuất bởi nhóm chuyên gia nghiên cứu của VIET với sự hợp tác về chuyên môn và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế.
Tại tọa đàm, TS. Hà Dương Minh cũng mong muốn có sự giúp đỡ và đồng hành của tất cả các bên liên quan để có thể đóng góp một cách tốt nhất cho sự chuyển dịch ngành điện của Việt Nam.
Trong tương lai, VIET sẽ là cầu nối hợp tác giữa các nhà khoa học và các nhà lập chính sách nhằm đưa ra các quyết định phù hợp thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển với độ tin cậy cao và bền vững.
Quá trình chuyển đổi này sẽ đóng góp lớn vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cam kết quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP (Paris, 2015) cũng như các cam kết quốc tế khác liên quan đến phát triển bền vững mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây./.
Ngọc Hoa
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)