Việt Nam hiện đang loay hoay trong bài toán phát triển kinh tế - sản xuất điện - ô nhiễm môi trường.
- RFA
2019-09-23
Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện
Việt Nam hiện đang loay hoay trong bài toán phát triển kinh tế - sản xuất điện - ô nhiễm môi trường.
Thiếu điện
Hồi tháng 6 năm 2019, trong một báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, bộ này cho hay từ năm 2021 - 2025, dù phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện vẫn không thể đáp ứng nhu cầu phụ tải và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.
Đáp lại, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ra văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện, đồng thời tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu than cho sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện dẫn đến thiếu điện.
Trước đó, vào cuối năm 2018, khi lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương không được để thiếu điện từ nay đến năm 2025 và nhấn mạnh nếu để thiếu điện, một số người sẽ bị mất chức.
Như vậy sự phát triển kinh tế của Việt Nam rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thiếu điện. Vậy Việt Nam phải làm gì để giải quyết bài toán thiếu điện này?
Hình minh họa. Công nhân điệp đang lắp cáp ở Sapa hôm 8/12/2013 AFP
Điều này cũng được Tiến sĩ Lê Dăng Doanh nhận định với RFA sáng 23/9:
“Vấn đề điện ở Việt Nam bây giờ là khó khăn và nan giải, vì nguồn thủy điện chúng ta đã sử dụng phần lớn rồi. Điện hạt nhân thì hồi đó có hợp tác làm xong lại thôi. Bây giờ về điện than thì nguồn than trong nước không đủ phải nhập than từ Úc về. Hiện nay ở Việt Nam điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió cũng phát triển mạnh, nhưng mà sự phát triển đó lại đem lại gánh nặng cho tập đoàn điện là bởi vì khi mua điện của điện mặt trời và điện gió nhưng toàn bộ chi phí kết nối vào với mạng thì lại rơi vào tập đoàn điện lực EVN, cho nên đây là một vấn đề nan giải.”
Tại Diễn đàn năng lượng "Thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững" diễn ra ngày 9/8/2018 tại Hà Nội, dự báo đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 7,5% kéo theo nhu cầu điện năng gần 500 tỷ kW vào năm 2030, trong khi năm 2018 Việt Nam mới chỉ đạt trên 190 tỷ kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương- Hoàng Quốc Vượng lúc đó khẳng định con số gần 500 tỷ kW là thách thức rất lớn khi các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy năng, than đá, dầu khí đã được khai thác hết hoặc là đang cạn kiệt không đủ cho nhu cầu trong nước.
Ngành năng lượng, trong đó có điện, vốn là ngành hạ tầng, giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, cho rằng Việt Nam hiện không còn con đường nào khác ngoài đầu tư vào nhiệt điện, nhất là điện than, bởi điện than ít tốn kém nhất so với điện tái tạo, điện mặt trời, điện gió.
“Điện là một nhu cầu tối thiểu để phát triển kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế càng cao thì nhu cầu càng lớn. Trong bối cảnh hiện nay có điện nhân tạo, nhiệt điện, điện tái tạo. Trong đó nếu đầu tư vào những loại điện khác thì chi phí rất lớn và nguồn lực không đủ. Nên hiện nay chủ yếu là vẫn đầu tư vào nhiệt điện, mà nhiệt điện thì ảnh hưởng môi trường nên phải xử lý vấn đề ô nhiễm. Trong tất cả các dự án điện thì đều có phương án này.”
Bài toán nan giải!
Cũng tại Diễn đàn năng lượng "Thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững", ông Hoàng Quốc Vượng đồng thời bày tỏ lo ngại việc ô nhiễm môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững của Việt Nam.
Kế hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt là nhiệt điện than thường gây ô nhiễm không khí và môi trường, tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra một cái nhìn tổng thể trong một lần trả lời phỏng vấn RFA về nhiệt điện than và nỗ lực giảm biến đổi khí hậu toàn cầu:
“Trong qui hoạch phát triển năng lượng thì từng có dự đoán Việt Nam sẽ thiếu nhiều nguồn điện cho sản xuất và đời sống trong tương lai. Vì thế Bộ Công Thương có qui hoạch phát triển nhiều nhà máy cấp điện để bù cho chỗ thiếu hụt và nguồn than cho các nha máy đó nhập từ nước ngoài. Điều đó cũng gây nhiều lo ngại cho người dân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.”
Hình minh họa. Hình chụp hôm 23/4/2019: một người đi qua trạm phát điện gió Phú Lạc ở tỉnh Bình Thuận AFP
Phát biểu tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương ngày 4/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng điện bởi "điện không chỉ là vấn đề kinh tế, bởi nếu mất điện thì thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự".
Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất điện. Các dự án nguồn điện ở phía Nam đang chậm tiến độ do gặp khó về giải phóng mặt bằng, nhiều công trình không thể thỏa thuận được phương án đền bù do đi qua nhiều địa phương.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia năng lượng, nếu Việt Nam quan tâm đầu tư vào năng lượng tái tạo, đến năm 2030, điện mặt trời có thể cung cấp cho Việt Nam 35.000 mW, điện gió có thể cung cấp cho Việt Nam 20.000 mW, điện sinh khối có thể cung cấp cho Việt Nam 3.000 mW.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng bằng mọi giá Việt Nam phải sản xuất đủ điện nếu muốn phát triển kinh tế cho dù rất khó khăn:
“Tôi nghĩ rằng cần phải cấp bách có một kế hoạch để thúc đẩy việc sớm hoàn thành các nhà máy điện hiện đang xây dựng dở dang và đưa vào vận hành, đồng thời sẽ phát triển mạnh hơn nữa điện tái tạo và giải quyết vấn đề kết nối. Một điểm nữa là chúng ta phải chú trọng nỗ lực sử dụng điện tái tạo trong các hộ gia đình, ví dụ lắp điện mặt trời trên các mái nhà và cũng có những biện pháp vận động để tiết kiệm điện một cách có hiệu quả.
Theo ông Doanh, hiện nay Việt Nam sử dụng điện vẫn chưa hợp lý và còn có nhiều hiện tượng lãng phí. Nếu công dụng các công nghệ cao hợp lý thì có thể tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ.
Dù các cơ quan chức năng cảnh báo hiện tượng thiếu điện và đưa ra nhiều giải pháp, nhưng dường như không khả thi trong tình hình hiện nay.
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)