- Việt Nam không nằm ngoài quá trình chuyển dịch năng lượng và để đạt được mục đích giảm tác động biến đổi khí hậu, nguồn năng lượng xanh, sạch chính là chìa khóa...
Ngày 19/1, tọa đàm Khoa học vì cuộc sống - một hoạt động trong Tuần lễ khoa học VinFuture diễn ra với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu về năng lượng.
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện nhằm vinh danh những phát minh, sáng chế có khả năng ứng dụng cao cho cuộc sống của hàng triệu người trên Trái đất cũng như kiến tạo nên môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, chủ đề về năng lượng, AI và chăm sóc sức khỏe là 3 vấn đề rất được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức về biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19.
![]() |
PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh Vietnamnet). |
Nhìn nhận về vấn đề năng lượng tái tạo, PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam không nằm ngoài quá trình chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cam kết giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và để làm được điều này phải có năng lượng xanh, sạch và áp dụng các giải pháp tiên tiến về khoa học công nghệ.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương cho biết, sau khi lắng nghe về các giải pháp công nghệ trên toàn cầu, chúng tôi rất mong muốn ứng dụng công nghệ, vật liệu đó để giải quyết vấn đề tại Việt Nam.
Hiện, lưới điện quốc gia của Việt Nam còn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, than, khí. Để chuyển dịch hiệu quả hơn, chúng tôi đang nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện. Để làm được thì phải thay đổi cơ chế vận hành của toàn bộ lưới điện. Không dễ để chuyển từ điện truyền thống hóa thạch sang năng lượng tái tạo bởi cần có những công nghệ mang tính chất hỗ trợ cộng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Cũng tại tọa đàm, GS Nguyễn Thục Quyên - Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn hữu cơ Đại học California đã đưa ra nhận định về vấn đề làm sao để lựa chọn một phương án đúng đắn và phù hợp nhất để giảm phát thải carbon.
![]() |
GS Nguyễn Thục Quyên (ảnh Vietnamnet) |
Bà cho rằng: “Mục tiêu giảm phát thải carbon có thể đạt được và chúng ta đang đi đúng quỹ đạo. Nhiều nước đã chuyển dịch năng lượng như Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Anh, Áo, Thụy Sĩ…, gần 100% quá trình sản xuất nguồn cung năng lượng của họ là từ tái tạo. Có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo tồn tại và có thể phát triển tùy thuộc vào vị trí địa lý của từng quốc gia”.
Theo vị chuyên gia, chìa khóa thành công mà Việt Nam có thể áp dụng chính là tận dụng tính đa dạng trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất, có quyết định sử dụng rõ ràng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hợp tác công tư và thay đổi lối sống hành vi của người dân.
- Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo (24.08.2022)
- Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch (17.03.2022)
- Nông dân vùng sâu tự lắp điện mặt trời công suất lớn (14.03.2022)
- Điện mặt trời áp mái trường nội trú (12.03.2022)
- Siêu dự án điện mặt trời nổi (11.03.2022)
- Cô, trò vùng cao thấp thỏm 'canh' điện mặt trời để soạn giáo án, học bài (11.03.2022)
- Năng lượng tái tạo phát triển “ồ ạt”, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát (10.03.2022)